Mở rộng không gian sống cùng với gác lửng

Mở rộng không gian sống cùng với gác lửng

Tầng lửng (tiếng Anh gọi là “mezzanine”) còn được gọi là gác lửng hoặc gác xép, là phần sàn được xây nằm giữa một tầng khác và chia sẻ chung phần trần với tầng đó. Dù đã xuất hiện từ khá lâu nhưng tầng lửng chưa bao giờ lỗi thời mà ngày càng trở nên được yêu thích hơn vì những lợi ích mà nó mang lại. Nếu được thiết kế một cách hợp lý, tầng lửng không chỉ đáp ứng tốt công năng sử dụng, tạo điểm nhấn cho ngôi nhà mà còn góp phần làm tăng tính thẩm mỹ cho toàn bộ không gian sống.

 

Với những ngôi nhà hẹp gác lửng còn có tác dụng gia tăng thêm diện tích sử dụng. Còn với những ngôi nhà lớn, gác lửng tạo ra không gian đẹp và thoáng. Bên cạnh việc bổ sung thêm không gian sống còn tạo nên các góc nhìn đẹp và giúp không gian trong nhà được chuyển tiếp, tăng lưu lượng chuyển khí cho nội thất. Như vậy, “tầng lửng” thực chất là là một khu vực trung gian chứ không thể xem là một tầng của căn nhà. Được kế thừa từ kiến trúc Pháp, nó là giải pháp tối ưu hóa không gian nội thất cho gia đình, giúp cho ngôi nhà không những đảm bảo đầy đủ tiện nghi mà còn góp phần làm không gian rộng rãi hơn và vẫn đảm bảo được không gian sống luôn sáng sủa.

 

Gác lửng là không gian phụ trợ đặt giữa khoảng trống trong chiều cao của tầng nhà. Đây được xem như ban công nội thất có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như: phòng ngủ, phòng làm việc, không gian thư giãn chung cho gia đình hoặc phòng khách,…Gác lửng có các lợi ích nổi trội như tận dụng chiều cao không gian giúp tăng diện tích mặt sàn với chi phí thấp nhất, phân chia không gian rõ ràng nhưng vẫn giữ được sự liên kết,…Tuy nhiên, gác lửng cũng có một số hạn chế như làm hạ thấp trần nhà giảm bớt sự lưu thông không khí và làm tăng áp lực cho tường nhà,…Nhưng đây đều là các vấn đề có thể khắc phục nếu thiết kế gác lửng đúng quy tắc và thông minh.  

 

Tùy nhu cầu sử dụng mà bạn chọn lựa kiểu gác cùng diện tích phù hợp. Để thoải mái và thoáng khí, độ cao tốt nhất của gác nên là 2,5m. Chiều dài tầm 2/3 tầng trệt (đối với nhà nhỏ) và 1/3 hoặc ½ tầng trệt nếu nhà bạn quá to. Quan trọng nhất, bạn phải quan tâm đến cấu trúc chịu lực của căn nhà khi xây gác lửng. Vì nếu căn nhà không chịu được ảnh hưởng lực của gác lửng thì không chỉ nguy hiểm cho gia đình bạn. Ngoài ra, nếu nhà bạn có giếng trời, hãy bố trí gác lửng gần giếng trời để cân bằng các yếu tố phong thủy giúp tạo từ trường tốt cho căn nhà.

 

Trên thị trường có rất nhiều chất liệu phù hợp cho sàn gác lửng với trọng lượng nhẹ và khả năng chịu lực cao. Hãy cân đối với khả năng tài chính của bạn để cân nhắc chọn ra được một loại vật liệu phù hợp nhất. Hiện nay, tấm lót bằng nhựa PVC là loại vật liệu có giá thành rẻ nhất với ưu điểm dễ vận chuyển, dễ thi công và chống ồn, chống mối mọt tốt nhưng hình thức kém sang trọng và dễ bị lão hóa khi gặp tia UV. Kế đến sẽ là ván gỗ lót là có giá thành cao hơn một chút, tùy độ dày của mỗi miếng và tủy loại. Miếng lót gỗ công nghiệp này có hình thức sang trọng, nhiều mẫu mã đa dạng và rất giống gỗ tự nhiên sẽ mang lại vẻ ấm cúng cho căn nhà. Tuy nhiên, độ bền của vật liệu này cũng hạn chế, dễ bị cong vênh và phồng rộp khi gặp ẩm. Vật liệu được sử dụng cho tầng lửng phổ biến nhất hiện nay là tấm xi măng cemboard với khả năng chịu lực, chịu ẩm cao; chống cháy và chống ồn tốt, bạn cũng nên cân nhắc đến loại vật liệu này nhé.

 

Gác lửng cần phải có màu sắc hài hòa với tổng thể không gian chung. Tốt nhất bạn nên chọn màu chủ đạo của căn nhà hoặc là màu nhạt hơn để sơn cho gác lửng. Những màu quá đối lập sẽ gây phản cảm, mất cân bằng trong tổng thể không gian, tạo cảm giác nặng nề. Vì gác lửng là không gian có chiều cao thấp hơn và không gian cũng khá chật hẹp nên bạn đừng chọn các món nội thất quá cồng kềnh cho không gian này. Những món đồ có đường nét đơn giản, đường nét thanh thoát, nhỏ gọn và đa chức năng. Bạn nên sử dụng các món đồ nội thất thông minh kết hợp với nhau và màu sắc trung tính sẽ làm không gian rộng và thoải mái hơn. Tuy nhiên, để tránh sự nhàm chán, bạn nên tạo một vài điểm nhấn xinh xắn như ô lõm, mảng trang trí hoặc sử dụng đèn chiếu sáng để làm giảm những mảng khối nặng nề của căn gác lửng.

 

Bên cạnh đó, khi quyết định xây dựng gác lửng trong không gian sống của mình bạn phải chú ý đến mức độ an toàn. Cũng như ban công, lan can là bộ phận đảm bảo thiết kế tầng lửng đẹp và đảm bảo an toàn. Phần lan can nên sử dụng vật liệu kính trong suốt để căn gác thêm hiện đại và thông thoáng hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ có lan can thì không thể đảm bảo tuyệt đối được nhất là đối với những gia đình có trẻ em hiếu động hoặc người cao tuổi. Do đó, trước khi thi công tầng lửng, bạn cũng cần cân nhắc đến nhiều biện pháp khác nhau để giảm thiểu rủi ro đối với những thành viên trong gia đình.

 

Cầu thang dẫn lên gác lửng thường được bố trí ở vị trí góc nhà để không gian bên dưới rộng và thoáng hơn. Đồng thời, bạn nên thiết kế cầu thang có kiểu dáng nhẹ nhàng, mềm mại, ít chi tiết với các chất liệu phù hợp với nội thất chung của căn hộ. Để gác lửng thông thoáng hơn, các vách ngăn trên không gian này nên được thiết kế thêm những mảng sáng hoặc sử dụng đèn hắt sáng loại nhỏ, hắt từ dưới lên tạo những điểm nhấn xinh xắn cho ngôi nhà.