Chiếc giường đặc biệt của Olympic mùa hè 2020 Tokyo Nhật Bản
Đã gần hai năm kể từ ngày dịch bệnh Covid-19 bùng nổ ra trên toàn cầu. Những đau thương, mất mát, những khó khăn mà dịch bệnh đem đến cho con người là không thể đếm xuể, không một giấy bút nào có thể miêu tả rõ ràng hay liệt kê cụ thể được những tổn thất, những hậu quả nghiêm trọng mà dịch bệnh vẫn đang và sẽ để lại.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang ngày càng diễn biến phức tạp, len lỏi đến từng ngóc ngách dù là nhỏ nhất, càng ngày càng phát hiện thêm nhiều biến chủng mới mà biến chủng sau lại mạnh mẽ dữ dội hơn biến chủng trước, cuộc chạy đua tiêm vắc xin và nghiên cứu thuốc đặc trị vẫn chưa đi đến hồi kết, khi mà Chính phủ của tất cả mọi Quốc gia trên thế giới đều đang cố gắng, nỗ lực hết sức tìm ra và thực hiện những biện pháp khả thi quyết liệt nhất để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ an toàn sức khỏe của người dân và bảo vệ nền kinh tế đang như ngọn đèn trước gió,… Thì một đất nước nhỏ bé ở khu vực Đông Á, một đất nước mà luôn oằn mình hứng chịu những thiên tai tàn khốc từ động đất, sóng thần cho đến những cơn bão lũ gây thiệt hại nặng nề, nhưng với tinh thần võ sĩ đạo của mình, Chính phủ Nhật Bản vẫn chấp nhận đương đầu với những thách thức từ dịch bệnh, chấp nhận tất cả rủi ro về mình chỉ để cố gắng tổ chức thành công một kỳ Thế vận hội Olympic 2020 – một sự kiện thể thao mang tính biểu tượng toàn cầu, sau khi phải dời lịch tổ chức một năm vì dịch bệnh.
Sự kiện Thế vận hội Olympic 2020 này diễn ra với rất nhiều điểm đặc biệt. Đây là kỳ đại hội thể thao đầu tiên bị hoãn lại trong lịch sử tổ chức; có số lượng môn thi lớn nhất từ trước tới nay là 33 môn và 339 nội dung thi đấu; là Olympic đầu tiên không có khán giả đến tham gia cổ vũ ở các điểm thi đấu; toàn bộ phần thưởng dành cho người chiến thắng từ huy chương vàng, bạc, đồng đều được chế tác với các thành phần chính từ đồ điện tử cũ, điện thoại hỏng,… Và đáng chú ý nhất, kỳ Thế vận hội Olympic 2020 được diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành trên toàn thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng.
Đến với đại hội thể thao lần này, người hâm mộ không chỉ quan tâm tới sức khỏe của vận động viên cũng như những thành tích mà vận động viên – người đại diện cho nền thể thao nước nhà sẽ đạt được mà còn quan tâm đến điều kiện nơi ăn chốn ở cho các vận động viên mà Ban tổ chức đã chuẩn bị có đủ điều kiện để bảo vệ các vận động viên an toàn trước dịch bệnh, đảm bảo một sức khỏe tốt và phong độ ổn định trong suốt thời gian thi đấu. Và Ban tổ chức Olympic 2020 tại Tokyo (Nhật Bản) mới đây khiến người hâm mộ xôn xao. Họ công bố chiếc giường cho vận động viên được làm bằng carton. Đây là một trong những ý tưởng của Nhật Bản để tổ chức một kỳ Olympic sạch, đảm bảo an toàn và thân thiện với môi trường.
Công ty Airweave của Nhật Bản cũng là đối tác của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã sản xuất và lắp đặt hơn 18,000 chiếc giường ngủ dành cho vận động viên và thành viên các đoàn tham dự Thế vận hội Tokyo 2020. Điều đặc biệt, những chiếc giường này đều làm từ bìa carton, không chỉ thân thiện với môi trường mà còn chắc chắn hơn cả gỗ.
Các vận động viên tham dự Thế vận hội Olympic tại Nhật Bản ngày 23/07/2021 sẽ phải bất ngờ khi đến làng thể thao vì họ được trải nghiệm ngủ trên những chiếc giường đơn thân thiện với môi trường.Nguyên nhân chính là 18,000 chiếc giường tại đây đều được làm từ giấy bìa cứng có thể tái chế 100%, được thiết kế siêu nhẹ và dễ lắp ráp để đảm bảo việc vận chuyển nhanh chóng, hiệu quả. Thiết bị ngủ này đáp ứng yêu cầu phù hợp với kế hoạch phát triển bền vững của Thế vận hội Olympic Tokyo 2020. Kế hoạch có mục đích mang đến một sự kiện thân thiện với môi trường, đồng thời giới thiệu các khái niệm và giải pháp sáng tạo có giá trị.
Đi cùng với khung giường bằng bìa cứng là những tấm nệm phiên bản mô-đun có thể tùy chỉnh, được thiết kế để phù hợp với cơ thể của từng vận động viên. Nệm gồm 3 khối riêng biệt được làm từ sợi polyethylene có lò xo. Nhà sản xuất Airweave cho biết: "Thiết kế nệm mô-đun đặc trưng của chúng tôi cho phép tùy chỉnh độ cứng ở vai, thắt lưng và chân để đạt được sự liên kết cột sống và tư thế ngủ thích hợp, cho phép cá nhân hóa ở mức cao nhất cho từng loại cơ thể riêng biệt của vận động viên".
Thông tin này đã gây sốc cho giới truyền thông quốc tế bởi chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Ban tổ chức cho biết động thái này là nhằm hạn chế tụ tập đông người trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được khống chế hoàn toàn. Kể từ khi khởi động, IOC đã ủng hộ việc Nhật Bản cam kết hạn chế lượng khí thải carbon thải ra khi đăng cai sự kiện toàn cầu này qua việc Tokyo sẽ tái sử dụng các nguyên vật liệu. Nhật Bản đã làm huy chương Olympic từ vật liệu đất hiếm, có nguồn gốc từ rác thải điện tử và thậm chí ngọn đuốc Olympic còn được làm từ những khung nhà tạm - cứu hộ nạn nhân của thảm họa sóng thần thắng 03/2011.
Nhiều người sẽ bất ngờ và có phần lạ lẫm với chiếc giường giấy này. Nhưng từ tháng đầu 06/2021 những chiếc giường giấy kiểu này đã xuất hiện ngay tại Việt Nam và nó được dùng vào một mục đích phục vụ cho các khu cách ly dã chiến. Vì khi đó dưới sức ép qúa tải từ các khu cách ly, nhiều y, bác sĩ, cán bộ y tế và dân quân phải nhường giường cho bệnh nhân. Tại cơ sở cách ly, nhiều người chọn cách trải chiếu, nệm xuống sàn nhà. Một số nơi phải dùng giường tầng, không chỉ bất tiện cho sinh hoạt, công tác khám chữa bệnh mà còn không đảm bảo an toàn cho trẻ em. Thì những chiếc giường giấy này lại là một giải pháp hữu ích, an toàn và hiệu quả, tiết kiệm chi phí vì giá thành khá rẻ.
Có thể sự xuất hiện của những chiếc giường giấy này là một điểm bất ngờ thú vị mà Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 muốn dành tặng và động viên tinh thần cho các vận động viên. Nhưng không thể phủ nhận được những tiện ích và sự an toàn mà nó mang đến, nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu ngưng lại. Với kích thước gọn nhẹ, lắp ráp và vận chuyển dễ dàng, được làm từ vật liệu thân thiện với môi trường với mức chi phí rẻ,… thì biết đâu được chiếc giường giấy này hoặc những món đồ nội thất được làm bằng giấy hoặc bìa carton sẽ trở thành mội xu hướng trang trí nội thất được lòng rất nhiều người trong tương lai, một xu hướng mà hướng mọi người đến phong cách sống xanh – sạch – an toàn.
Bình luận