Phóng khoáng trong “công xưởng” của chính mình cùng Industrial Style

Phóng khoáng trong “công xưởng” của chính mình cùng Industrial Style

“Nhà” không chỉ là nơi đón bạn trở về sau một ngày dài làm việc mệt mỏi mà đó còn là nơi đón tiếp những vị khách quý đến thăm nhà, là nơi lưu giữ lại tất cả những cảm xúc cũng như bộc lộ cá tính và thể hiện gu thẩm mỹ của bạn. Do đó, việc chọn lựa một phong cách phù hợp luôn là tiêu chí được ưu tiên hàng đầu khi thiết kế nội thất. Hiện nay trong lĩnh vực thiết kế có rất nhiều các phong cách trang trí với những ưu điểm và phù hợp với nhiều loại công trình khác nhau. Mỗi phong cách đều có một nét đẹp riêng, với cách trang trí riêng để tạo sự khác biệt. Nếu bạn thuộc tuýp người thích sự chân thật, ưa chuộng nét đẹp mộc mạc, tự nhiên nhưng vẫn thể hiện được sự mạnh mẽ, táo bạo thì nên cân nhắc lựa chọn Industrial Style - một phong cách đang làm mưa làm gió tại Việt Nam.

 

Phong cách Industrial còn được gọi là phong cách kiến trúc công nghiệp (Industrial Style). Nghe có phần khô khan và cứng nhắc nhưng nó lại thể hiện được sự mạnh mẽ và tinh thần phóng khoáng ở một khía cạnh khác của cuộc sống. Cũng bởi vậy, dù không sang trọng quý phái như Indochine, không hoang dại bay bổng như Bohemian và cũng không sặc sỡ nổi loạn như Maximalism, ở Industrial lại mang trong mình một màu sắc hoàn toàn riêng biệt, khó có thể nhầm lẫn với bất kỳ phong cách nào khác.

 

Industrial là phong cách thẩm mỹ không đòi hỏi những chi tiết trang trí cầu kì, thậm chí đi nó lại đi ngược với hai chữ “bóng bẩy” phổ biến trong đa phần các thiết kế hiện đại. Đặc trưng của phong cách thiết kế Industrial là những bức tường không xây trát, những đường ống không che đậy, gần như giữ nguyên hiện trạng vốn có của căn nhà mà tạo nên ấn tượng sâu sắc vì sử dụng chất liệu hoàn toàn tự nhiên như gỗ và sắt, đồ đạc có chút thô sơ nhưng vẫn đảm bảo chức năng. Qua đó, có thể nói phong cách Industrial chính là nói đến sự đơn giản, thô sơ và quay về những điều cơ bản. Nếu như những phong cách thiết kế khác là cố gắng che đi những khuyết điểm thô mộc thì Industrial không khuyến khích điều đó, nó sẽ gọt bỏ đi những thứ rườm rà, xa hoa và chỉ chắt lọc những gì thuần túy, cần thiết nhất cho không gian sống.

 

Không nhiều người rõ nguồn gốc của phong cách Industrial. Phần lớn cho rằng nó được phát triển vào đầu thế kỷ 20, khi cuộc cách mạng công nghiệp tại Châu Âu bắt đầu suy thoái và dịch chuyển theo xu hướng toàn cầu hóa. Số lượng lớn các nhà máy, xưởng sản xuất bị bỏ hoang quá nhiều dẫn đến ý tưởng tận dụng lại những công trình cũ này và biến chúng thành những căn hộ nhỏ để phục vụ cho nhu cầu chỗ ở lớn của người dân tại đây. Các kiến trúc sư giữ nguyên tối đa những thứ có sẵn đồng thời đưa những thiết bị, đồ nội thất hiện đại phục vụ cho những nhu cầu từ cơ bản đến bậc cao của con người vào trong thiết kế. Và từ những nét đẹp hoang sơ, lạ mắt và có phần thô cứng, Industrial - một xu hướng thiết kế mới mẻ ra đời.

Để có thể biến hóa không gian thô sơ thành một kiệt tác độc đáo, hiện đại mà không kém phần tinh tế đòi hỏi phải tuân thủ theo những quy tắc nhất định trong thiết kế. Những đặc trưng riêng biệt của phong cách Industrial bạn cần nắm rõ nếu muốn ứng dụng style này vào thiết kế nhà ở như sau.

Trần trụi giữa không gian mở. Vì bản chất của phong cách công nghiệp là khoảng không gian rộng lớn từ các nhà kho và nhà máy công nghiệp nên khi đem phong cách này vào nội thất nhà ở bạn cần phải đem lại cảm giác tương tự về không gian. Không gian mở sẽ là cách bố trí tối ưu cho phong cách này. Bạn có thể tạo được cảm giác rộng lớn ngay cả trong không gian nhỏ bằng cách chỉnh sửa số phòng có trong không gian đó, giữ cửa sổ trần và đơn giản hóa nội thất trong phòng.Mục đích nhắm vào những chi tiết thiết kế đơn giản nên phong cách công nghiệp thường để lộ nhiều vật dụng hơn. Đó có thể là những bức tường chưa hoàn thành, viên gạch cũ kỹ, sàn bê tông, dầm xà trần nhà để lộ, đường ống nước chạy khắp trần nhà không cần che chắn, mảnh đá thô ghép lại với nhau hay những chiếc cửa sổ trần trụi,… Những chi tiết thô sơ này đa phần được mô phỏng lại từ những khu công nghiệp xuống cấp để mang lại cảm giác chân thật và gần gũi.

 

Ưa chuộng các gam màu mộc, tối. Thông thường màu sắc được sử dụng cho phong cách này được lựa chọn tông màu trung tính như: đen, xám, nâu,… Các màu trung tính toát lên vẻ cứng cáp lẫn đơn sơ,mộc mạc xen lẫn độc đáo và thú vị như chính những nhà máy ở thế kỷ trước. Tông màu sử dụng được giữ nguyên của màu sắc tự nhiên của các chất liệu sử dụng cho kiến trúc đó. Như màu đen của kim loại, màu xám thì lại của bê tông hoặc gam màu đỏ của gạch, nâu trầm của gạch hoặc chất liệu gỗ,… Hãy suy nghĩ về những vật liệu: thạch cao, gạch thô, ống mạ kẽm cũ, ống nước bằng đồng,… đều là những vật liệu sẽ mang đến cho bạn tông màu phù hợp. Ngoài ra thì bạn cũng có thể sử dụng thêm các gam màu của những tác phẩm nghệ thuật hay thảm trang trí kết hợp với hệ thống đèn chiếu sáng để tạo nên sự ấn tượng.

 

Cửa sổ và ánh sáng. Trong thiết kế nội thất thì ánh sáng là một tố vô cùng quan trọng mà không thể thiếu được. Bởi sử dụng phong cách này thường lựa chọn gam màu trung tính như màu trầm và màu sậm, chúng sẽ một phần làm cho các kiến trúc trở nên tối tăm và u ám dẫn đến hiệu quả sử dụng không gian sẽ không cao. Vậy nên đi kèm với phong cách này sẽ là những thiết kế cửa sổ lớn, rộng rãi với những khung thép để tận dụng được tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên và đảm bảo bầu không khí luôn trong lành cho không gian sống. Hệ thống đèn điện được sử dụng ánh sáng màu vàng ấm, tạo nên không gian trở nên gần gũi và thân thiện cho gia đình.

 

Tường, trần và sàn nhà. Đặc điểm dễ nhận biết nhất trong những căn hộ được thiết kế nội thất mang phong cách công nghiệp đó chính là những bức tường thô, đó có thể là gạch thô, tường bê tông mài hoặc được ốp gỗ mộc tự nhiên để tạo nên một không gian “giả lập” công xưởng bằng sự đơn giản, mạnh mẽ nhưng hoàn toàn có chủ đích.

 

Rất ít khi gạch hoa, gạch lát sàn hiện đại được sử dụng để trang trí trong trang phong cách này. Thay vào đó là chất liệu bê tông và gỗ sẽ được sử dụng phổ biến hơn cả. Có nhiều sự lựa chọn để kết hợp như tường bê tông đi với sàn gỗ hoặc ngược lại. Điều này giúp không gian bớt đi phần nhàm chán mà vẫn giữ được những nét độc đáo của Industrial. Có khá ít lựa sự chọn trong thiết kế của sàn nhà tuy nhiên thiết kế trần nhà lại tương đối đa dạng, có thể để trần không và không cần trang trí nhiều. Tuy nhiên hiện nay hầu hết mọi công trình mang phong cách công nghiệp thường thiết kế và trang trí trần nhà bằng hệ trống ống dẫn kết kết hợp với hệ thông đèn chiếu sáng mô phỏng lại các hệ thống ống dẫn cơ khí trong nhà máy xưa. Đây cũng có thể coi là một trong những đặc trưng phổ biến của thiết kế Industrial.

 

Đồ nội thất với đường nét mạnh mẽ, sắc cạnh. Một điểm tạo nên cá tính mạnh trong phong cách kiến trúc công nghiệp đó là các đồ nội thất được ưa chuộng là các loại có đường nét thẳng, gọn gàng, tinh giản toát lên được tinh thần phóng khoáng và cá tính của người dùng. Thường sử dụng những tông màu tối, sẫm như màu đen, xám, nâu sậm để trang trí. Các vật liệu bằng kim loại thường được sơn đen để tạo sự khỏe khoắn, đồ bọc da cũng thường xuyên được sử dụng như ghế sofa, ghế đôn,... Nội thất của phong cách này được yêu cầu càng tối giản càng tốt, cây xanh cũng có thể trang trí một ít nhằm tối ưu cho không gian sống một cách tốt nhất. 

 

Độc đáo với cầu thang thép. Đặc trưng không thể không nhắc đến của phong cách Industrial trong thiết kế nội thất đó là “chiếc cầu thang” bằng thép, được sử dụng để kết nối giữa gác xép và tầng dưới trong căn hộ. Không sử dụng bê tông để xây cầu thang, cầu thang thường được làm bằng kim loại và phủ sơn đen, khung kim loại giản dị được thiết kế cơ bản. Thông thường trên mỗi bậc thang đều được làm nhám để tránh tình trạng trơn trượt gây nguy hiểm cho người sử dụng. Hoặc có thể sử dụng cầu thang xương cá bằng thép với bậc cầu thang gỗ thịt tạo nên một điểm ấn tượng độc đáo cho thiết kế tổng thể.

 

 

Trên đây là tất cả những đặc điểm cơ bản của phong cách thiết kế công nghiệp Industrial. Không quá cầu kỳ và tỉ mỉ, tất cả đều mang vẻ giản đơn và chân thực. Có người thích sự “trần trụi” của kết cấu thô. Có người thích chỉ là điểm nhấn nhẹ nhàng v.v…Tùy vào điều kiện, tùy vào sở thích mỗi người mà họ có thể cá nhân hóa “công xưởng” của mình theo cách phù hợp nhất.