Cuộc cách mạng MINIMALISM cùng triết lý

Cuộc cách mạng MINIMALISM cùng triết lý "Less Is More"

Sống tối giản – Càng đơn giản, càng hạnh phúc

Có người cho rằng, cuộc sống càng nhiều của cải vật chất, càng hiện đại và nhiều tiện nghi mới là cuộc sống “đáng sống”, mới là cái đích mà ai ai cũng muốn hướng đến.

Sự thật có phải như vậy?

Đối mặt với áp lực trong cuộc sống, nhiều người lại có xu hướng tìm đến những điều đơn giản nhất, nguyên bản nhất để có được cảm giác tự do, thoải mái được là chính mình và được ở một nơi mình thuộc về.

 

Mỗi người đều có quyền lựa chọn một lối sống phù hợp với mình. Và sống tối giản (minimalism style) cũng chỉ là một trong nhiều cách sống khác nhau trên Trái Đất này. Không cần nghĩ sâu xa, chính cái tên đã nói lên được bản chất của lối sống này. Dễ hiểu nhất, sống tối giản là giản lược cuộc sống của bạn một cách tối đa. Nhưng làm thế nào để “tối đa” và làm thế nào để có thể giản lược được cuộc sống thì mỗi người sẽ có một định nghĩa riêng, một câu trả lời riêng.

 

Sống tối giản là hướng đến một cuộc sống chất lượng hơn và tinh tế hơn, không bị phụ thuộc vào vật chất, bình lặng và cân bằng cho tâm hồn. Bầu trời tuy rộng lớn nhưng lại khiến chúng ta nhìn xa hơn, lá xanh tuy nhỏ nhưng lại có thể che mờ tầm mắt. Trong cuộc sống bộn bề này chúng ta cũng có rất nhiều thứ “lá xanh” như thế. Vậy thì tại sao không tự đơn giản hóa cuộc sống của mình bằng cách chọn lối sống tối giản?

 

Sống vừa đủ - Bỏ bớt đồ đi không làm cho bạn thiếu thốn.

Đi đầu và tiên phong trong phong cách sống này chính là người Nhật Bản. Họ cho rằng bất cứ ai khi mới chào đời đều là người sống tối giản vì chẳng có ai từ khi sinh ra đã có của cải, vật chất trong tay. Không phải tự nhiên mà họ lại thích và cố gắng hướng đến lối sống tối giản, ít vật dụng này.

 

Hãy thử tưởng tượng xem việc giảm bớt đồ đạc xung quanh sẽ đem lại những lợi ích gì? Không còn nhiều đồ, gánh nặng từ công việc dọn dẹp, bảo quản và chăm sóc chúng cũng sẽ giảm xuống, việc ghi nhớ vị trí và tìm kiếm chúng cũng sẽ dễ dàng hơn, tình trạng tốn thời gian lục tung mọi thứ để tìm món đồ mình cần cũng sẽ dần mất đi. Nhờ đó sẽ tiết kiệm được công sức và thời gian để dành cho những điều quan trọng khác trong cuộc sống. Mặt khác, sống trong một không gian sạch sẽ, thoáng đãng cũng là cách để giữ cho tâm trạng luôn thoải mái, tinh thần lạc quan.

 

Người Nhật cũng cho rằng mỗi lần thêm một món đồ hơn mức cần thiết là sẽ tự tay đánh mất tự do của chính mình. Niềm vui không nhất thiết phải đến từ vật chất và đồ đạc không phải là thứ quyết định con người. Chúng chỉ là công cụ để giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn mà thôi. Cố gắng chấp nhận không đưa thêm những thứ không cần thiết vào cuộc sống, tiết kiệm tiềm bạc bằng cách chấm dứt việc mua sắm vô tội vạ, bỏ hết những thứ không cần thiết hiện có và thoát ra khỏi những ám ảnh về vật chất. Có thể nói sống tối giản là một lối sống nâng niu quan điểm “vừa đủ”, một lối sống mà “càng đơn giản, càng hạnh phúc”.

 

Sống tối giản - Không có nghĩa là bạn phải sống tối cổ.

Rất nhiều người đang theo đuổi lối sống tối giản và họ cho rằng phải vứt bỏ gần như tất cả đồ đạc xung quanh mới là cách sống tối giản đúng. Thế là họ vứt bỏ hết toàn bộ những món đồ đạc mà họ cho là không tối giản. Từ tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy tính, điện thoại, … Tuy nhiên, điều này không hẳn đúng và có khi sẽ phản tác dụng. Trong xã hội văn minh, sự trợ giúp từ những thiết bị máy móc hiện đại và công nghệ tiên tiến sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì bất kỳ một phát minh hay sáng tạo nào cũng chỉ hướng đến mục tiêu cuối cùng là để phục vụ tốt nhất cho con người. Nếu vứt hết những đồ đạc này, chúng ta thậm chí còn tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc hơn nữa.

 

Bên cạnh đó, mặc dù sống tối giản sẽ giúp tiết kiệm được tiền bạc và thời gian, nhưng không thể đánh đồng nó là sống tiết kiệm. Tức là việc mua đồ hoàn toàn không được tán thành chút nào. Tất nhiên, chúng ta vẫn có thể săn lùng được một món đồ mà chúng ta cần mới một mức giá hời, nhưng không phải lúc nào cũng sẽ may mắn như vậy, mất thời gian sẽ là điều đương nhiên. Ngược lại, cuộc sống càng tối giản càng cần phải ưu tiên nhưng món đồ chất lượng tốt và đa chức năng. Giá cả ở đây sẽ không thành vấn đề, hãy làm quen với việc đó. Miễn là món đồ đó là cần thiết, độ bền cao và có thể tối đa hóa công năng sử dụng thì hãy sẵn sàng chi tiền cho nó nhé.